Giới thiệu sách "Gia đình tình báo có 4 bà mẹ Việt Nam anh hùng"

   

 Nhà thơ Viễn Phương từng viết:

“ Chiến thắng lớn đến từ những hy sinh to lớn

Ai đếm khăn tang, ai đong máu chiến trường”

     Chiến tranh là một đề tài lớn, là nguồn cảm hứng vô tận cho biết bao nhà văn, nhà thơ, các họa sĩ hay nhạc sĩ yêu nước; sau chiến tranh là bao nỗi mất mát đau thương. Hòa bình mà chúng ta đang có hôm nay được đổi lấy bằng biết bao xương máu cha ông ta đổ xuống …. Với mong muốn bày tỏ lòng biết ơn cho các thế hệ đi trước đã giành lấy hòa bình, tự do cho dân tộc cũng như  để tri ân những chiến sĩ đã hy sinh trước bom đạn kẻ thù, những công lao của các bà mẹ Việt Nam anh hùng đã góp phần làm nên độc lập cho chúng ta hôm nay, Thư viện Tiền Giang xin trân trọng giới thiệu đến quý độc giả quyển sách Gia đình tình báo có bốn bà mẹ Việt Nam anh hùng của tác giả Mã Thiện Đồng.

     Cuốn sách là bốn câu chuyện về bốn gia đình người Hoa yêu nước, họ sinh ra trong cảnh chiến tranh tàn khốc, muốn tìm kế sinh nhai nhưng lại chẳng ngày nào tìm được bình yên. Và rồi họ di cư đến bán đảo Đông Dương hoạt động cách mạng, trở thành một phần máu thịt của người Việt Nam, họ xem nước Việt Nam như quê hương thứ hai, quyết tâm đấu tranh, chấp nhận hy sinh chỉ để mong nước Việt Nam có được độc lập. Xoay quanh 260 trang sách, bạn đọc như được sống lại trong thời kỳ tàn khốc đó, những giọt nước mắt uất hận dường như nghẹn lại khi chứng kiến cảnh tàn ác của bọn “sát cộng”, chúng tàn ác lắm, đủ thứ trò từ chém người như cỗ máy, trộn thuốc độc vào cơm cho cộng sản chết hàng loạt, không chỉ thế chúng còn chôn sống, dùng gậy đập cho vỡ đầu đến khi tìm thấy chỉ còn là những hộp sọ bị thủng lỗ…. Tội ác đó đã được tác giả Mã Thiện Đồng tái hiện lại qua từng trang sách, từng câu từng chữ trong đó “ Tại Rừng Sác – thị trấn Rô Ka Kông – Cang Đan – Campuchia. Riêng một hố bom ở Rô Ka Kông, có 262 người bị đập chết, chôn vùi. 19 người trong gia đình ông Giang Quảng chết ở hố đó. Mãi mấy chục năm sau, khai quật những bãi, những hố chôn người, chỉ thấy những núi xương sọ bị thủng lỗ của hàng vạn, hàng triệu người bị bọn Pôn Pốt đập vỡ đầu. Gia đình ông Giang Quảng, 11 chiến sĩ hoạt động trong Cụm Tình báo 22, đơn vị 367, cùng với 8 người trong gia đình đi theo, vừa là trẻ thơ vừa là người lớn, tất cả là 19 người bị giết hại trong ngày 8-4-1975 kinh hoàng ấy. Trong đó có hai vợ chồng chị Giang Thị Phấn với đứa con nhỏ và cái thai trong bụng”…..

     Chúng ta không quên, không được quên công ơn những người đã ngã xuống. Cuộc sống hòa bình hôm nay đã phải đổi bằng cái giá quá đắt. Biết bao người mẹ tiễn con đi chiến trận từ thời non trẻ để rồi hình bóng người con ấy hòa thành dáng hình quê hương xứ sở, máu thị của họ đã hòa với mảnh đất quê hương mà họ đã cố gắng gìn giữ.  Để kỷ niệm 50 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2025), Thư viện tỉnh mong muốn bạn đọc thông qua quyển sách này sẽ hiểu thêm về lịch sử dân tộc, bồi dưỡng tình yêu quê hương đất nước của thế hệ sau. Hiện nay, Việt Nam ta đang từng ngày bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, ông cha ta đã phấn đấu để giành lấy hòa bình cho chúng ta hôm nay, và nhiệm vụ của chúng ta là cố gắng học tập, trau dồi bản thân góp phần xây dựng đất nước thêm phồn vinh, phát triển.

     Sách với độ dày 260 trang, khổ 21cm, được Nhà xuất bản Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành năm 2019. Tác phẩm “Gia đình tình báo có bốn bà mẹ Việt Nam anh hùng” hiện đang được đọc miễn phí trên trang E-book của Thư viện tỉnh, link truy cập: thuvientiengiang.gov.vn

     Trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả!

Thanh Trúc

THÔNG TIN NGƯỜI GỬI
 Anh  Chị